Với Phật giáo, triết lý nhân-quả được phổ biến cho mọi người - gieo nhân gì gặt quả nấy - gần gũi với đạo lý làm người của dân Việt. Có lẽ vì thế mà đạo Phật được chấp nhận rộng rãi, đa số người Việt chọn làm lối sống, trau dồi nội tâm qua những lời nhắc: sống có từ bi, tử tế, làm phước, gieo nhân thiện, giữ hiếu đạo với ông bà, tổ tiên…
Việc hiểu rõ nhân quả theo Phật dạy không phải là để mình làm gì cũng “mưu cầu” theo kiểu điều kiện “để được gì đó” cho bản thân, gia đình mình. Chẳng hạn, ăn chay để cầu…; phóng sanh để khỏe mạnh, sống lâu; cúng dường, làm từ thiện để đời sau giàu có…
Ảnh: Hà Nguyễn. |
Trong một ý niệm đưa đến hành động của một việc thiện nếu xuất phát bởi tâm mong cầu như vậy, đó là một sự ích kỷ. Nội dung của việc thiện có thể giống nhau nhưng bản chất không còn đơn thuần là vì thương mà làm, thấy họ khó khổ, đang hấp hối cần được hà hơi tiếp sức mà giúp.
Trong việc thiện cứu vật, phóng sinh cũng vậy. Do bị thúc đẩy làm bởi tâm mong cầu mà nhiều người đã tìm mua những sinh vật bé nhỏ (như cá con), chưa bị nguy hiểm tính mạng để phóng bởi vì… phóng được nhiều cá thể (nhiều mạng) thì phước nhiều hơn.
Thiếu hiểu biết hơn, có người còn thả những sinh vật gây hại cho tự nhiên (như ốc bưu vàng) hoặc có thể gây hại cho con người (như rắn độc vào nơi gần dân cư, trái quy định).
Một số khác thì chọn chim phóng sinh, cứ đến chùa là mua chim thả, vì vậy mà tạo ra “nhân duyên” cho những người bắt chim trời đem bán, nhằm phục vụ nhu cầu của người-mong-muốn-làm-phước. Vô tình hay thiếu hiểu biết, đã tạo ra nguy hiểm cho loài chim sẻ (thường là vật bắt nhốt để phóng sinh).
Chúng bị bắt nhốt theo vòng tròn phóng - bắt đến kiệt sức, có nhiều cá thể không chịu nổi đã “tử nạn”. Phóng sinh như thế bằng mười sát sinh, bạn có đồng ý với nhận định này?
Trở lại với việc thiện nên làm trong đời sống, thực ra có nhiều cách để thực hiện: từ ý nghĩ, lời nói, việc làm. Phóng sinh, ở một ý nghĩa sâu xa hơn chính là tháo bỏ những “chúng sinh” ở bên trong mình, tương ứng với những món độc hại (gồm tham, sân, si).
Khi chúng ta nhìn vào bên trong mình, quan sát ý, khẩu, thân mà thấy rõ, mình cần phải sửa những chỗ hỏng hóc này, cần phát huy chỗ dễ thương kia theo tinh thần làm lành, lánh dữ, đó cũng là phóng sinh - làm cho mình tự do, giải thoát khỏi ràng buộc bởi tham muốn, tật đố các kiểu.
Đừng quên, chúng ta cũng đang bị giam hãm trong “tù ngục” của những tâm địa xấu. Và có khi bị giam trong những quan niệm mê tín dị đoan, mong cầu trong việc thiện đang làm. Phóng sinh mà khắc tên tuổi lên vật phóng rồi cầu đủ thứ cho bản thân, từ khỏe mạnh đến trúng số, thoát khỏi tội tù, xả xui rủi… thì đã là mê tín dị đoan.
Để mỗi việc thiện mình làm, mỗi phút giây mình sống thực sự bình an, giá trị, cứu người giúp vật vô tư thì mình phải hiểu ý nghĩa của từng việc. Đừng nghe người ta bày rồi bắt chước, có khi ngỡ làm thiện nhưng lại là bất thiện, gây thêm nhân xấu. Chẳng hạn, gặp xui rủi lại đi sát sanh để cúng tế quỷ thần, lẽ ra phải gieo nhân thiện bằng cứu người giúp vật…
Phóng sinh vì lòng thương chính là thấy loài nào đang khổ mình cứu trong khả năng. Cũng có thể ăn chay, là một cách phóng sinh từ bàn ăn của mình. Tại sao chúng ta không thử tập làm việc đó mỗi ngày, vừa không tạo duyên sát sinh mà vừa góp tay bảo vệ môi trường?
Tóm lại, làm gì đó tốt lành, đừng mong cầu nó sẽ kết quả tốt đẹp này, kết quả tốt đẹp kia. Được vậy mới thật là tốt lành. Thực ra, không mong, không cầu thì quả cũng sẽ đến, tự nhiên, mà lòng mình cũng bình yên. Tất nhiên, để đạt “cảnh giới” này phải thực tập.
Năm đạo lý của phóng sinh Ni sư Thích nữ Như Lan, trụ trì chùa Hưng Thiền, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đề nghị người phóng sinh phải hiểu những đạo lý sau đây: Thứ nhất, phóng sinh để gieo nhân lành. Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy rằng: Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh thì oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Khi phóng sinh là ta đã cứu mạng chúng sinh tức là đã gieo trồng thiện nhân. Một khi đã gieo trồng thiện nhân thì nhất định sẽ được thiện quả. Ngược lại, nếu ai phê bình, cản trở người phóng sinh là trồng ác nhân ắt sẽ bị quả ác báo. Đạo lý của việc phóng sinh là nhắc nhở chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt hái thiện quả. Thứ hai, phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài. Vạn vật, chúng sinh đều có tánh linh, ai cũng đều muốn hướng tới cái lành và tránh xa điều hung ác. Người nào cũng muốn được sống, cũng sợ chết và người nào cũng biết buồn vui thương giận. Cho nên chúng ta phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài, chúng sẽ biết ơn chúng ta, phước báu này thật vô lượng vô biên. Thứ ba, giải cứu chúng sinh là giải cứu một vị Phật tương lai. Chúng sinh đều vốn đủ Phật tánh, tức là có tánh giác ngộ, thanh tịnh, trong sáng. Chúng sinh vì túc nghiệp nên phải mang thân hình dị loại, bị đọa làm thân súc sanh. Một ngày nào đó túc nghiệp của chúng sinh đó hết, nó phát tâm tu hành thì cũng chứng thành đạo quả y như Phật. Thứ tư, chúng sinh trong vòng luân hồi đều là quyến thuộc của chúng ta từ bao kiếp. Giải cứu chúng sinh là giải cứu cha mẹ, anh em chúng ta từ kiếp trước. Thứ năm, phóng sinh là giải oán thù. Chúng sinh là oan gia trái chủ, là kẻ thù nghịch đối với chúng ta trong kiếp quá khứ. Kiếp này chúng sinh rơi vào tay chúng ta là để trả món nợ cho ta, nhưng ta không sát hại chúng mà đem chúng đi phóng sinh, giải thoát cho chúng là đã giải oán thù với chúng để không còn oan oan tương báo với chúng nữa. |
Lưu Đình Long
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/phong-sinh-nhu-the-bang-muoi-sat-sinh-755326.html