Bếp ăn từ thiện Bệnh viện y học cổ truyền Bến Tre
22/01/2007: Người nghèo, chẳng may bị bệnh, nỗi rầu lo càng thêm chất chồng. Bác sĩ Lê Thị Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An cho biết: Đa số bệnh nhân điều trị với thời gian ít nhất một tuần, có người kéo dài hơn một tháng, tính ra, tiền ăn uống có khi hơn cả tiền thuốc thang. Người nào khá giả thì xoay sở được, còn nghèo thì rất vất vả. Nỗi băn khoăn của Ban Giám đốc bệnh viện là tâm niệm hướng về bệnh nhân nghèo của anh Sáu Hớn, quê Chợ Lách đã kết lại thành một, để rồi, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa được ra đời. Ông Huỳnh Thanh Thới, Phó Ban điều hành bếp ăn cho biết: Bếp ăn thành lập vào tháng 7-2004 dưới sự hỗ trợ về mặt tổ chức, cơ sở vật chất của Chi hội từ thiện Bảo Hòa (Tp. HCM) và đặc biệt là bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An.
Một căn nhà nhỏ nằm một góc trong bệnh viện chính là người bạn đồng hành của bệnh nhân nghèo. Mỗi ngày 3 buổi: sáng, trưa, chiều, nơi đây nhộn nhịp người. Ai ai cũng cầm trên tay chiếc gào mên, cái tô, cái chén để nhận cơm, canh cá cho cả người bệnh và người nuôi bệnh. 300 suất/ngày và thức ăn là đồ ăn chay. Mỗi suất 4.000 đồng, nếu tính tổng thì quả là con số không nhỏ, vậy nguồn kinh phí ở đâu? Phó Ban điều hành Huỳnh Thanh Thới cho biết: Chủ yếu là nguồn vận động từ các nhà hảo tâm ở huyện thị. Mỗi huyện, đều có một tổ từ thiện của bếp ăn. Hiện nay, bếp ăn Nhơn Hòa có đến 15 tổ, mỗi tổ 7 người. Vì bệnh nhân nghèo, các anh, chị sẵn sàng dàn xếp chuyện gia đình, dành trọn 1 tuần lễ để vào bếp ăn nấu nướng, thời gian rãnh còn lại là đi vận động bà con, họ hàng, làng xóm.
Với phương châm "Lá lành đùm lá rách", từ ngày thành lập đến nay, bếp ăn đi vào hoạt động nề nếp và trở thành điểm tựa của bệnh nhân nghèo và bất cứ ai cần đến. Nấu từng nồi nước sôi, nồi cháo trắng, cơm dẻo.... để sẵn chờ người nhà bệnh nhân đến nhận là công việc hàng ngày của bếp ăn này, như là sự san sẻ của những tấm lòng nhân ái đối với người nghèo tỉnh nhà. Chính từ ý nghĩa nhân văn đó mà bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa càng ngày càng được mọi người biết đến và ủng hộ. Người đem cho củi, người cho đường, bột ngọt, gạo, muối…. bó rau. Nhiều tấm lòng cộng lại làm thành nồi cơm, nồi canh thấm đậm hương nghĩa. Bác sĩ Lê Thị Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện Trần Văn An kể: Có nhiều cô bác đi chợ đã để lại các quầy bán hàng bông những bó rau muống, rau cải... gửi đến bếp ăn. Những bệnh nhân xuất viện cũng không quên bếp ăn này, bằng "cây nhà lá vườn", họ quay trở lại ủng hộ bếp ăn trái bầu, trái bí. Có người ở xa tận Vĩnh Long, Trà Vinh, Tp. HCM…. cũng về đây góp chung tấm lòng.
Với sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám đốc bệnh viện, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh và sự làm việc nhiệt tình của các tổ trực, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa đã phần làm giảm bớt khó khăn của bệnh nhân nghèo trong tỉnh, để họ an tâm dưỡng bệnh. Được biết, trong năm 2006, bếp ăn Nhơn Hòa đã phục vụ trên 75.000 suất cháo, 150.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo. Nhìn chung, đây là một trong những bếp ăn từ thiện hoạt động có hiệu quả nhất tỉnh. Vì thế, ngoài 70 triệu đồng xây dựng cơ sở ban đầu, năm nay, bệnh viện cũng đã chi 20 triệu đồng nâng cấp bếp ăn. "Đây là tiền đóng góp của toàn thể cán bộ y bác sĩ bệnh viện, trích từ tiền tiết kiệm", bác sĩ Lê Thị Dung cho biết.
Hiện nay, Bến Tre còn rất nhiều người nghèo đang điều trị tại các bệnh viện. Họ cần lắm những bếp ăn từ thiện như thế. Đặc biệt là bệnh nhân ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Một bếp cháo trắng cho người nghèo thôi thì chưa thể san sẻ nỗi khốn khổ của bệnh nhân nghèo. "Khổ quá mới không ngại xách gào mên qua đây (Bệnh viện Trần Văn An) xin cơm", một người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu nói. Thiết nghĩ, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu nên chăng cũng có một bếp ăn từ thiện dành cho người nghèo!